No Widgets found in the Sidebar

Lăng Hoàng gia Gò Công và những bí ẩn lịch sử

Gò Công (Tiền Giang) có các địa danh lịch sử nổi tiếng đó là lăng Hoàng gia, đền thờ Trương Định và ao Trường Đua… Nếu chưa đến hết 3 nơi đó thì coi như chưa biết Gò Công.

Lăng Hoàng gia là nơi thờ tự và lăng mộ của dòng họ Phạm Đăng, trong đó có ông Phạm Đăng Hưng là ông ngoại Vua Tự Đức, thân sinh bà Thái hậu Từ Dụ (dân gian gọi Từ Dũ), vợ vua Thiệu Trị. Nơi đây lưu truyền huyền thoại Gò Sơn Qui, lưu truyền văn bia kỳ lạ lưu lạc trên 140 năm…
 
Những phù điêu trang trí theo phong cách phương Tây trước mộ ông Phạm Đăng Hưng.
 
Phạm Đăng Hưng – một nhà tư tưởng của triều Nguyễn
 
Lăng Hoàng gia được xây dựng năm 1926, là lăng mộ và đền thờ ông Phạm Đăng Hưng. Ông Phạm Đăng Hưng sinh ra tại Gò Sơn Qui, vào năm 1764 (nay là ấp Lăng Hoàng Gia, xã Long Hưng, TX Gò Công – Tiền Giang). Ông là người thông minh, văn võ song toàn. Năm 1784, lúc 20 tuổi, ông thi đỗ Tam trường, nổi tiếng hiền đức và siêng năng.
 
Ông có 4 người con làm quan to trong triều Nguyễn. Vua Minh Mạng kết thông gia gả công chúa cho con trai ông là Phạm Đăng Thuật và phong chức Phò mã Đô úy. Vua Minh Mạng cũng cưới con gái của ông là Phạm Thị Hằng (sinh năm 1810, tức bà Từ Dũ sau này) cho Hoàng tử Miên Tông, sau này là vua Thiệu Trị.
 
Mùa hạ năm 1825, ông Phạm Đăng Hưng mất, được đưa về Gò Sơn Qui chôn cất. Năm 1849, ông được vua Tự Đức truy phong Đức Quốc công.
 
Theo văn bia truy tặng Đức Quốc công của vua Tự Đức ban, do Phan Thanh Giản soạn, kể lại sự nghiệp của ông có đoạn: “Ông sơ của ông là Phạm Đăng Khoa, là người học rộng có tiếng văn chương thời Lê Anh Tông (1557- 1571). Họ Trịnh ức hiếp vua Lê, gặp lúc Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa dựng nghiệp, ông Phạm Đăng Khoa đem cả họ vào theo. Ban đầu ở Ái Tử (Quảng Trị, thời chúa Nguyễn Phúc Khoát đổi thành Cựu Dinh, Phú Xuân đổi thành Chính Dinh), sau dời vào Phú Xuân (Huế). Ông cố của Phạm Đăng Hưng là Phạm Đăng Tiên được bổ làm Huấn đạo, phủ Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) nhân đó dời nhà vào Mỹ Khê. Ông nội ông là Phạm Đăng Dinh thông thạo nho học và y học, lấy hiệu là Huyền Thông Đạo nhân. Cha ông là Phạm Đăng Long, địa phương gọi ông là Kiến Hòa tiên sinh”.
 
Cũng theo văn bia trên, Phạm Đăng Hưng sinh ra và lớn lên vào lúc Nguyễn Phúc Ánh khởi nghiệp ở đất Gia Định để đánh lại Tây Sơn. Ông thừa hưởng sự giáo dục của hai người thầy đất Nam Bộ là Nguyễn Bảo Trí và Võ Trường Toản. Năm Bính Thìn 1796, ông đỗ Tam trường, được bổ làm lễ sinh ở phủ Gia Định.
 
Sau khi Gia Long lên ngôi, ông được bổ nhiệm làm trường đà (coi thuyền vận tải) từ Nam ra kinh đô Phú Xuân.
 
Cuối đời, ông được thăng lên tới Thượng thư bộ Lễ, coi việc khâm thiên giám. Ông là người giúp vua Gia Long, Minh Mạng nghiên cứu các điển lệ đưa về gần với bản gốc đời Lê, trong lúc hơn trăm năm loạn lạc đã bị sai lệch.
 
Ông là người nghiên cứu Tiên Nho (Khổng Tử, Mạnh Tử), Chân Đức Tú – một học trò xuất sắc của Chu Hy đời Tống để tổng hợp nên một nền Nho học riêng cho triều Nguyễn: kết hợp Tiên Nho với Tống Nho làm nền tảng tư tưởng. Ông là người khởi xướng một số bộ sách có giá trị thời Nguyễn. Ngày 14-6 năm Ất Dậu (tức 29-7-1825), ông mất vì bệnh tại Huế, thọ 60 tuổi.
 
Ông được Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức phong tặng nhiều danh hiệu.
 
Huyền thoại dòng họ Phạm Đăng
 
Dân gian Nam Bộ còn có nhiều câu chuyện truyền miệng về “ông Ba Bị”. Chuyện kể rằng, thời mở đất, dân gian thường thấy một người luôn mang trong mình ba cái bị lớn (giống như bao tải nhưng có quai đeo bên mình). Con nít khóc dỗ không nín người ta thường nói: “Ngủ đi! Ông Ba Bị tới kìa!” Ông Ba Bị đi đến đâu thì con nít sợ lắm. Người lớn thì ngược lại, bởi ông mang đủ loại hạt giống đi phát cho dân và hướng dẫn cách trồng. Nhà nào quá nghèo, ông Ba Bị cho người mang gạo đến giúp.
 
Người Gò Công kể rằng, ông Phạm Đăng Long tức Kiến Hòa tiên sinh, cha ông Phạm Đăng Hưng là người giỏi Nho học, tinh thông phong thủy, địa lý của Lão học, đi nhiều nơi tìm thế đất tốt để định cư, mong con cháu phát tích.
 
Lúc ông đến Gò Rùa (Sơn Qui), thấy thế đất rất đẹp nhưng toàn vùng Gò Công lúc bấy giờ không có chỗ nào đào được giếng có nước ngọt. Sau đó ông phát hiện ra mạch nước ngầm ở Gò Sơn Qui. Ông quy tập mồ mả 3 đời về đây và xây nhà ở gò đất này.
 
Sau đó, ông sinh ra Phạm Đăng Hưng. Tương truyền trước khi sinh bà Phạm Thị Hằng (Từ Dũ) thì có một vầng trăng chiếu sáng lòa cả Gò Sơn Qui, nên bà ông Đăng Hưng đặt cho bà tên Hằng. Hiện nay, tại lăng Hoàng Gia, phía sau nhà thờ, nơi nền nhà xưa vẫn còn cái giếng cổ, nước trong vắt và ngọt lịm. Trong cuốn sách cổ “Từ Dụ – Hoàng Thái hậu truyện” của soạn giả Nguyễn Liên Phong in năm 1913 có hai câu:
 
Lộ thủy trình tường ngoại
 
Quy khâu trúc phước cơ
 
Tạm dịch là:
 
Nước ngọt điềm lành ngoại
 
Gò Rùa mọc phước cơ
 
Ly kỳ chuyện tấm bia vua Tự Đức ban cho ông ngoại
 
Đến thăm mộ ông Phạm Đăng Hưng, từ ngoài bước vào, du khách sẽ bắt gặp bên trái có một nhà bia. Bên dưới là tấm bia bằng đá trắng Quảng Nam, đã mòn theo thời gian, nhưng thật kỳ lạ: phía trên có hình cây thánh giá màu đen, bên dưới là dòng chữ Pháp ghi “Đây là nơi an nghỉ của Trung úy Barbé”. Nhìn sâu vào trong là một bài văn bia chi chít chữ Hán?
 
Tấm bia lưu lạc 140 năm.
 
Bia đá này do Phan Thanh Giản và Trương Quốc Dụng soạn vào năm Tự Đức thứ 10 (1857) nhằm ca ngợi công đức của Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng. Vua Tự Đức sai chở bằng thuyền từ Huế vô Gò Công. Nhưng cái bia đá mất tích một cách bí hiểm. Đến lúc trùng tu lăng Hoàng gia, năm 1899, vua Thành Thái cho dựng nhà bia bên phải (từ ngoài nhìn vào) bằng đá hoa cương. Nội dung tấm bia này giống y tấm bia Tự Đức ban cho ông ngoại.
 
Chuyện kể rằng, lúc giải tỏa nghĩa địa Mạc Đĩnh Chi (quận 1- TP Hồ Chí Minh) để xây dựng Công viên Lê Văn Tám (khoảng 1983- 1986), người ta thấy còn sót lại một tấm bia đá bỏ chỏng chơ. Có người phát hiện hàng chữ Nho sau hàng chữ Pháp mới báo với Bảo tàng Thành phố. Khi các nhà nghiên cứu giám định mới té ngửa là tấm bia ấy là của vua Tự Đức ban tặng cho ông ngoại Phạm Đăng Hưng.
 
Trong tác phẩm “Scènes de la vie Annamite” (NXB P.Ollendorff Paris 1884) của 2 tác giả Le Vardier và De Maubryan có kể lại chuyện tình éo le của viên Trung úy Barbé với cô gái Bến Nghé tên Thị Ba, người của nghĩa quân Trương Định.
 
Cô gái hẹn Trung úy Barbé ở đồn chùa Khải Tường (nay là Bảo tàng Cách mạng) đến đồn chùa Ô Ma (Pagode des Mares – Thị Nghè) vào đêm 7/12/1860. Trên đường đi, Barbé đã bị nghĩa quân Trương Định phục kích bất ngờ giết chết. Câu chuyện tình này đời nay được tái hiện trong vở cải lương nổi tiếng ở Nam Bộ có tên “Nàng Hai Bến Nghé” với diễn xuất tài năng của nữ nghệ sĩ Mỹ Châu.
 
Liên kết các sự kiện, chính Barbé cướp tấm bia vào năm 1858 về đồn và 2 năm sau y chết, người ta lấy tấm bia ấy làm bia mộ cho y. Đến khi nghĩa trang giải tỏa mới phát hiện ra và năm 1998, Bảo tàng TP Hồ Chí Minh mới tặng lại Khu di tích Lăng Hoàng gia. Đúng 140 năm sau tấm bia mới được đặt đúng vị trí của nó.
 
Lăng mộ hoàng gia, một công trình kiến trúc độc đáo
 
Lăng mộ Hoàng gia được xây dựng từ năm 1826, do ông Phạm Đăng Tá – con trai trưởng của Phạm Đăng Hưng – xây dựng trên phần đất 3.000 m2, ngay trên nền nhà cũ của dòng họ Phạm Đăng.
 
Các nghệ nhân tài hoa bậc nhất chuyên xây dựng lăng tẩm, cung đình từ Huế vào và nghệ nhân địa phương xây dựng nên công trình kiến trúc độc đáo mang đậm phong cách cung đình. Năm 1849, vua Tự Đức truy phong Phạm Đăng Hưng lên tước Đức Quốc công, cho trùng tu, mở rộng nhà thờ, xây thêm tam cấp, cổng tam quan, ban thần vị theo nghi thức cung đình:
 
– Gian chính giữa thờ Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng.
 
– Gian tả thờ Phước An hầu Phạm Đăng Long là cha của Phạm Đăng Hưng.
 
– Gian tả ngoài cùng thờ Khả tự Phạm Đăng Tiên.
 
– Gian hữu thờ Bình thạnh bà Phạm Đăng Danh.
 
Vào năm 1888, vua Thành Thái lên ngôi, chuẩn bị vào viếng lăng nên cho trùng tu. Đến năm Khải Định 1921, trùng tu một lần nữa.
 
Ngày 2/12/1992, Bộ Văn hóa – Thông tin có quyết định công nhận Khu Lăng mộ Hoàng gia là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia.
 
Mộ Phạm Đăng Hưng táng trên gò cao có hình dáng mai rùa. Mộ không xây theo kiểu “ngưu phanh, mã phục” mà được xây theo kiểu dáng “đỉnh trụ” hình bát giác, trông vừa như chiếc nón lá vừa như búp sen.
 
Mặt sau mộ, xây bình phong hình bán nguyệt, trên có chạm 4 con rồng, dưới có 5 con kỳ lân. “Ngũ đại thành xương – Tường lân ống hiện” (Năm đời danh giá tốt đẹp – Điềm lành kỳ lân hiện ra).
 
Vòng quanh mộ ông Phạm Đăng Hưng có một số phù điêu trang trí như búp sen, cá hóa long… lại mang phong cách điêu khắc phương Tây. Có lẽ ông Vua Khải Định đã có một “tư vấn viên” người phương Tây nào chăng?
 
Về Gò Công thăm lăng Hoàng gia, khám phá ra nhiều điều thú vị. Dĩ nhiên chúng ta cũng chưa thể nào hiểu hết những bí ẩn lịch sử, và chắc còn nhiều điều bí ẩn trên vùng đất Nam Bộ này?

By admin

Dark mode