No Widgets found in the Sidebar

Mời bà con cùng hồi hộp xem trận đấu “Tam quốc thời 2014” diễn ra căng thẳng thế nào!

“Tam anh chiến Lữ Bố” là một điển tích được rút từ tác phẩm kinh điển “Tam Quốc diễn nghĩa”, nói về trận đánh Hổ Lao Quan nổi tiếng, ở đó ba anh em Lưu Bị, Trương Phi, Quan Vũ cùng hợp sức đánh Lữ Bố.

Thời đó Lữ Bố là mãnh tướng vô địch thiên hạ, từng người riêng rẽ trong 3 anh em Lưu Quan Trương thì không phải đối thủ của Lữ Bố. Tuy nhiên, khi cả ba cùng hợp sức lại thì Lữ Bố khó mà địch nổi. Vậy nên trong trận Hổ Lao Quan, sau khi giao chiến được mấy chục hiệp, Lữ Bố thấy chống đỡ không nổi bèn bỏ của chạy lấy người.

Sau khi để xổng mất Lữ Bố, ba anh em Lưu Quan Trương cay lắm, tiếc ngẩn tiếc ngơ vì bỏ lỡ thời cơ ngàn năm có một, ai cũng xuýt xoa tiếc rẻ: giá mà Quan ra đòn dũng mãnh hơn, giá mà Trương quyết đoán hơn, giá mà Lưu đừng hở sườn, vô số cái giá mà… giá mà… Giá một hồi, cả ba thống nhất không ngồi đổ lỗi cho nhau nữa mà hạ quyết tâm lần sau có cơ hội thì nhất định không bỏ lỡ, và rồi họ quyết định con cháu đời sau sẽ đổi sang… họ Giá hết để ghi nhớ thành một món nợ truyền kiếp, đời này qua đời khác nhất định phải trả.

Qua nhiều đời đụng độ lẻ tẻ không đáng kể, đến hậu duệ đời thứ 90 của hai bên thì mới có một trận quyết đấu oanh liệt nổi đình nổi đám. Khi đó hậu duệ của Lữ Bố là Lương Bố đụng hàng cùng hậu duệ của 3 anh em Lưu Quan Trương là Giá Xăng, Giá Điện và Giá Ga. Thực hiện di nguyện của tổ tiên, 3 anh em Ga Điện Xăng quyết không để Lương Bố sống sót trong trận “Tam anh chiến Lữ Bố” lần này.

Trải qua thời gian hàng nghìn năm kể từ trận chiến “đời đầu”, tương quan lực lượng lần này đã thay đổi nhiều. Lương Bố không còn dũng mãnh vô đối như tổ tiên của mình, võ công tiến bộ rất chậm chạp, so với 3 anh em nhà Ga Điện Xăng thì một chọi một cũng chưa chắc đã lại chứ nói gì đến một chọi ba. Thế nhưng vì là món nợ truyền kiếp, anh em Ga Điện Xăng khiêu chiến đến cùng, nên Lương Bố không thể không tiếp chiêu.

Tam anh Ga Điện Xăng lúc này đang nổi danh khắp thiên hạ, được người đời phong cho biệt danh là Tam anh Thiết Yếu, không những dũng mãnh phi thường mà còn có tài điều khiển âm binh với huyền thuật có tên là Chỉ Số Giá, chỉ cần vẩy tay là cả họ hàng bầy đàn nhà Giá phóng lên ào ào, gây hiệu ứng rất dữ dội. Đã vậy Tam anh Giá lại còn được hậu thuẫn, tạo cho đủ mọi điều kiện để phát triển như vũ bão. Trong khi đó, Lương Bố đơn thương độc mã, sức vóc tầm thường, chỉ được mỗi cái là dân chúng bá tánh cổ vũ, khổ nỗi lại toàn cổ vũ mồm thôi, ai cũng mong Lương Bố chiến thắng nhưng lại chẳng ai giúp được gì.

Vào năm Tận Thế Hụt thứ hai (tức là năm hơn hai nghìn sau Công Nguyên), trận chiến nổ ra. Khi hai bên dàn trận, Giá Xăng xung phong lâm trận trước. Trong tam anh thì võ công của Giá Xăng là thâm hậu nhất. Giá Xăng biết kết hợp 3 môn phái là Bảo Hộ, Độc Quyền và Cạnh Tranh Nửa Vời một cách rất ma thuật và lợi hại. Giá Xăng ra đòn vừa nhanh, vừa táo bạo, lại vừa bất ngờ khiến Lương Bố trở tay không kịp. Tuyệt kỹ võ công của Giá Xăng là “ba tiến một lùi”, tức là cứ tiến ba bước rồi lùi nhẹ một bước, rồi lại tiến liên tiếp ba bước. Chiêu thức này nghe có vẻ đơn giản, ai cũng biết nhưng rất khó mà cản được. Cứ thế Giá Xăng liên tiếp ra đòn: tăng, tăng, rồi giảm, rồi lại tăng vọt lên nhanh như chớp. Lương Bố cứ quay cuồng chống đỡ trước sức ép tấn công của Giá Xăng.

Trong khi Lương Bố chưa kịp hoàn hồn thì Giá Điện lại bay lên tung đòn tiếp ứng mạnh như trời giáng. Khác với Giá Xăng, Giá Điện ngay từ đầu đã áp đặt được lối chơi và chỉ dùng duy nhất một thế võ Độc Quyền, chỉ có tiến và tiến chứ không có lùi. Hai anh Xăng – Điện song kiếm hợp bích tạo ra một loại xung chấn chưởng lực cực mạnh mà giới võ lâm gọi là Lạm Phát Chưởng. Như những con ma trơi, Lạm Phát Chưởng bay vọt lên cao rồi phóng mạnh vào Lương Bố tóe lửa, trông cứ như trong truyện chưởng Kim Dung. Lương Bố chao đảo ngã vật ra rồi lại cố gồng mình đứng dậy, tiếp tục chống yếu ớt trước những đợt tấn công tới tấp.

Lương Bố vẫn đơn thương độc mã chống chọi trong vô vọng, đúng lúc khó khăn thì hai trợ thủ là Phụ Cấp và Thưởng lại bị phế truất, không thể ra giúp sức. “Ba đánh một không chột thì què”, bá tánh chứng kiến trận đấu không khỏi xót xa, mọi người đều rất hoang mang và lo lắng, không biết Lương Bố sẽ xoay sở được bao lâu?

Cố gắng cầm cự được 365 hiệp, Lương Bố gần như không còn một tí sức lực nào. Thấy Lương Bố vẫn chưa bị hạ gục, Giá Ga lại nhảy vào bồi thêm một đòn chí mạng. Với công lực tăng thêm gần 20%, cú ra đòn này của Giá Ga khiến Lương Bố chỉ còn biết trơ ra mà lãnh đòn và chờ chết.

Chứng kiến cảnh đó, dân chúng bá tánh đồng loạt kêu lên: “Dừng lại! Dừng lại ngay! Để cho người ta sống với chứ!”.

By admin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Dark mode