No Widgets found in the Sidebar

Một lá thư Ai Len

“Chào anh Tony, xin lỗi gọi anh vì tôi nghĩ anh cũng trạc tuổi tôi. Tôi đang làm nghiên cứu sinh ở Ai Len cũng được 2 năm rồi. Trước đây tôi học thạc sĩ ở Anh, sau đó về VN giảng dạy ở 1 đại học, rồi sau đó gần đây tôi chọn Ai Len để làm tiến sĩ. Cuộc sống chồng con của tôi ở Việt Nam cũng ổn định, tôi chỉ mong học xong nhanh rồi quay về.

Thú thật, tôi đọc page TnBS vì nó vui, ban đầu tôi nghĩ anh định câu view để quảng cáo cái gì đó, chứ bỗng dưng bỏ công bỏ sức ra viết chia sẻ như vậy, tôi thật không hiểu nổi. Nhưng sau khi theo dõi page hơn 1 năm, tôi vẫn không thấy anh quảng cáo sản phẩm dịch vụ gì, anh cũng không ra mặt để kiếm tiền từ sự nổi tiếng, nên tôi cũng có ý nể anh đôi chút. Nhưng tôi nghĩ rồi anh cũng sẽ bán page này cho một nhãn hàng nào đó khi nhiều view. Tôi không tin trên đời này ai đó cho không ai cái gì.

Hôm nay tôi đọc bài của anh nói về các bạn người Trung Quốc ở ĐH Queen Belfast, tôi thấy đúng. Trường tôi 2 năm nay đều có suất học bổng toàn phần cho sinh viên ngoại quốc, nhưng tôi chẳng giới thiệu cho ai ở Việt Nam. Một phần vì tôi lười, tôi thấy tốn thời gian thông báo lên diễn đàn này diễn đàn kia mà chẳng lợi ích gì cho mình. Nhưng nhiều lúc tôi cũng cảm thấy cô đơn (cả trường tôi chỉ có mình tôi người Việt học ở cấp này), nhưng thông báo cơ hội này cho người dưng nước lã ở Việt Nam, tôi thấy cứ tiêng tiếc thế nào ấy. Tôi chỉ giới thiệu cho con ruột tôi những cơ hội như vầy như cháu còn nhỏ quá, còn cháu họ tôi cũng có đứa đủ điều kiện nhưng trong thâm tâm mình, tôi sợ bọn nó được rồi gia đình nó hơn gia đình tôi, lỡ sau này con tôi không có cơ hội đi du học thì sao. Tôi vẫn bé nhỏ và tiểu nông như anh từng phê phán, nhưng thật sự tôi không thoát ra được. Cha mẹ chúng nó (anh chị chồng tôi) cứ hỏi tôi việc tìm học bổng cho các cháu sang đây nhưng tôi trả lời qua loa, rồi viện cớ bận quá mà từ chối. Tôi không muốn mình phải có trách nhiệm chăm lo chúng nữa. Đèn nhà ai nấy sáng, mình chỉ nên lo cho cá nhân mình, gia đình mình chứ hơi sức đâu lo cho người khác. Từ bé, tôi đã được cha mẹ tôi dạy dỗ như vậy. Tôi cũng sẵn sàng quay cóp để có điểm số cao hơn, có văn bằng đẹp hơn, dù tôi học không tệ.

Việc tôi xin học bổng sang đây thế nào, tôi cũng giấu nhẹm, ai hỏi thì tôi nói là tự túc. Sâu thẳm trong lòng mình, tôi không có khả năng chia sẻ. Các con của thì sao tôi cũng được, còn con cái người ta tôi thấy không ưa, không vỗ về nựng nịu chúng nó được. Tôi như con kiến, cần mẫn lấy bên ngoài tha về cái tổ bé nhỏ của mình, bất chấp mọi thứ. Tôi nghĩ ai cũng có một tổ ấm phải vun vén, và phải hơn người khác bằng mọi giá.

Anh nói đúng, các đồng nghiệp người Trung Quốc của tôi thì khác. Năm ngoái khi nghe tin trường có 5 suất học bổng toàn phần, anh bạn tôi tên Zhang bay về nước để giới thiệu sinh viên ( anh ấy đang dạy ở ĐH Hạ Môn), dù tiền máy bay là phải bỏ tiền túi ra. Sau đó 5 suất học bổng đó đều thuộc về sinh viên trường anh. Tôi thấy họ hay gặp gỡ nhau ăn uống và hay tụ tập trong 1 góc sân trường chỉ nhau học tập.

Tôi rất tiếc đến giờ này tôi vẫn chưa thay đổi quan niệm của mình nên tôi xin phép anh tôi không nói tôi tên gì và đang học ở đâu. Sang năm, trường tôi lại có suất, hy vọng lúc đó tôi sẽ có thể rộng lượng hơn mà chia sẻ cho các bạn.”…

Tony trích đăng bức thư này sau khi xin phép chị ấy. Và lòng rất buồn.



P/s: Người Trung Quốc hay lắm, hồi đó Tony đến cái vùng Belfast ở Bắc Ai-len, ông thầy trong trường ĐH Queen kể cách đây 20 năm, sinh viên Trung Quốc chỉ có vài đứa. Nhưng sau đó vì có mấy đứa học giỏi ở lại trường, làm giảng viên, cứ có suất học bổng nào là giới thiệu gà nhà, chính tay họ sửa bài luận giúp họ đạt học bổng nên học bổng rơi vào tay SV Trung Quốc hết. Họ qua đâu 1 thời gian thì người Hoa đang sinh sống dưới London cũng dạt về, mở quán xá, nhà hàng, nhờ tụi SV này làm thêm, tạo thành 1 cộng đồng khá thành công. Lứa sinh viên này về nước là giới thiệu lứa sinh viên khác qua, tinh thần đoàn kết của họ thật hay. Mình cũng cố gắng bắt chước cái hay cái đẹp này của cộng đồng người Hoa nhé. Cám ơn các bạn.

By admin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Dark mode